GIÁO DỤC CON

Còn nhớ năm 18 tuổi. Tôi có lên nhà chị chơi, vô tình đứa con chị làm rơi ly nước. Lúc đó, ông bố quát to “Đứng im con, coi chừng đứt chân”. Sau đó, ông bố đi lấy chổi, đồ hốt rác và hướng dẫn con quét dọn làm sao để an toàn. Luôn miệng nhắc nhở con phải cẩn thận nếu ko sẽ bị bể ly gây nguy hiểm cho con và người khác. Khoảnh khắc ấy tôi con nhớ mãi đến bây giờ. Vì trong gia đình tôi thì ko được như vây. Nếu làm bể, làm rớt, làm hư đồ gì chắc chắn sẽ bị la. Vậy nên chị em tôi, nhiều khi làm hư đồ là ngay lập tức đem giấu thật kỹ. Nếu chẳng may bị phát hiện có khi còn chối bay chối biến rằng không biết nguyên nhân vì sao.
Một khoảnh khắc diễn ra trong 1 phút nhưng có thể theo mình suốt cả cuộc đời, từ lúc đó gia đình chị trở thành 1 trong những gia đình thần tượng của tôi về cách nuôi dạy con.
Từ khi sinh con, học về cách giáo dục con, tôi đã và tiếp tục trải nghiệm sâu sắc rằng sự giáo dục vĩ đại nhất ko phải từ nhà trường mà là từ những tình huống sinh hoạt hàng ngày, từ gia đình, từ cha mẹ.. Những tình huống tưởng như ngẫu nhiên nhưng qua đó cha mẹ thể hiện quan điểm sống, cách sống, con người mình qua cách đối xử với con và xử lý tình huống thực tế với con.
Rất nhiều cha mẹ nói với con rằng “Con hãy tự tin lên!”nhưng trong cuộc sống lại vô tình làm biết bao nhiêu điều khiến con tự ti. Ví dụ như khi con không làm được gì như mong đợi của bố mẹ, là bố mẹ có thể bực bội ra mặt. Ví dụ như khi con mắc lỗi, bố mẹ có thể mắng con không tiếc lời.
Trong khi đó, khi con mắc lỗi là khi con cần được cho thấy sự bao dung. Cách cha mẹ đối xử với con và đánh giá con sẽ thành tiếng nói ở trong đầu con. Nếu cha mẹ không tin tưởng con, thì rồi con cũng sẽ không tin tưởng chính mình. Nếu cha mẹ luôn sợ hãi rằng con sẽ chẳng thành gì, thì rồi con cũng sẽ sợ hãi rằng mình sẽ chẳng thành gì. Ngược lại, nếu cha mẹ tin tưởng con, con cũng sẽ tin tưởng chính mình. Nếu cha mẹ tin ở giá trị của con, con cũng sẽ tin ở giá trị của chính mình.
Sự tự lập cũng như ý thức trách nhiệm bắt đầu theo cách khác. Nó chỉ đơn giản là để cho con tự làm những thứ con đã sẵn sàng, để con làm những thứ con có thể làm được, hoặc đơn giản hơn là đừng vội đáp ứng ngay những đòi hỏi của con. Nhưng chúng ta thường sợ rằng nếu để con tự làm thì con sẽ làm không tốt, không nhanh, nên ta làm hộ cho xong. Ta sợ con khóc, sợ con bị tổn thương, nên con đòi gì ta cho liền. Nếu một đứa trẻ hai tuổi đang đòi thứ đồ chơi ở trên chiếc bàn cao mà nó chưa với tới được, hãy để cho nó khóc một chút, đối mặt với cảm xúc ấy, và quan sát xem sau đó nó có tự giải quyết được không. Nếu không, hãy gợi ý cho nó: “Con trèo lên ghế để lấy này.” Cách dễ nhất để giúp đứa trẻ ngừng khóc và ngăn cản sự tự lập (và cả kỹ năng giải quyết vấn đề) là đưa ngay cho con thứ con muốn mà không để con xoay sở một chút nào.
Ví dụ khi tôi đang bận tắm, con khóc và đòi mẹ. Nếu tôi biết chắc chắn đã có người khác ở ngoài với bé, bé không đang gặp nguy hiểm gì thì tôi sẽ tiếp tục tắm. Đương nhiên thời gian dài dần ra. Lần đầu là đi vệ sinh, sau là đi tắm, và dần dần đến giờ tôi có thể tắm gội 30p trong nhà tắm, con vẫn chơi ở ngoài bình thường.
Nguyên tắc của tôi là hãy để cho con tự đối mặt với khó khăn của chúng, cho dù đó chỉ là 2 phút. Con càng lớn thì người lớn càng cần cho chúng thêm thời gian để vượt qua cảm xúc khó chịu, bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết vấn đề. Sự tự lập không chỉ đơn thuần là hành vi ở bên ngoài. Sự tự lập bắt đầu với nhận thức ở bên trong. Trẻ cần nhiều cơ hội để hiểu và để tập. Và trẻ sẽ chỉ có cơ hội đó khi người lớn trao cho chúng.
Tôi có 1 đứa em, bản thân nó đã được bao bọc từ nhỏ. Mọi thứ trong gia đình nó không cần phải làm gì. Ngay cả việc đơn giản như lau dọn, quét nhà.Và đến giờ, nó đã hơn 20 tuổi. Mỗi khi đụng tay vào làm việc gì cũng sẽ bị la mắng rằng “Lớn đầu mà việc…. cũng ko biết làm. Có việc nhỏ xíu thế còn ko biết thì mày làm ăn được cái gì…”
Tôi thấy thật kỳ cục. Nhiều gia đình ngăn cản con tự quyết định tự làm từ lúc còn nhỏ, nhưng lại hi vọng rằng khi lớn hơn con sẽ tự làm được. Chuyện đó là không thể. Nếu đứa trẻ bị ngăn cản những cơ hội đó lúc nhỏ, thì lớn lên nó sẽ vấp ngã rất, rất đau do trước đó chưa từng được luyện tập, và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Đây là lý do có rất nhiều người lớn sợ sai, sợ vấp ngã, sợ đau, cứ sống mãi trong vùng an toàn một cách khổ sở – bởi suốt trong giai đoạn nhỏ họ đã luôn bị gia đình dọa “mày mà làm thế thì mày sẽ chịu (hậu quả ABC)”, và hễ con mắc lỗi thì lại nói “đấy, mày thấy chưa, tao bảo rồi.”
Cha mẹ nào chẳng muốn con đừng vấp ngã, nên cứ vội vã áp đặt những kinh nghiệm của mình lên con. Nhưng phải vấp ngã thì mới vững vàng. Đứa trẻ phải đau, phải khó chịu, phải nỗ lực, phải kiên nhẫn để đạt được cái mình muốn,… Cái đau và khó chịu này là do tình huống trong đời sống đem lại, chứ không phải là cái mắng mỏ, trách móc của cha mẹ. Hoàn toàn khác nhau nhé. Và điều khó nhất cho cha mẹ chính là phải chờ thêm một chút, đau thêm một chút nữa, chọn cách khó hơn, thay vì giúp con ngay, đáp ứng ngay, hướng dẫn con tỉ mỉ từng tí – vì sự trưởng thành của chính bọn trẻ.
Nếu cái gì trẻ cũng đạt được ngay, có được ngay do cha mẹ giúp và đáp ứng luôn không chần chừ, thì trẻ sẽ trở nên dựa dẫm, không phát triển được sự tự lập và kỹ năng giải quyết vấn đề, và hình thành niềm tin rằng cái gì cũng phải có ngay. Đương nhiên chúng sẽ thành những người lớn dễ dàng bỏ cuộc, dễ dàng buông xuôi. Đương nhiên khi mọi thứ trái ý chúng, chúng sẽ tin rằng chúng quả là bất hạnh, là nạn nhân của cuộc đời hoặc những người khác.
Dạy cho trẻ tự nghĩ, tự lập, tự giải quyết vấn đề không phải là hướng dẫn cho trẻ phải nghĩ gì, giải quyết như thế nào, làm mọi thứ như thế nào, mà chỉ đơn giản là hãy lùi lại để cho trẻ tự làm, quan sát, thảo luận về các phương án trước nếu cần, để trẻ tự đưa ra lựa chọn của chúng và góp ý sau khi trẻ đã tự có trải nghiệm thực tế.
Bài viết: Nguyễn Loan
Tham khảo: Phượng Đặng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0986.9988.99(Zalo)
Inbox fanpage